Lighting Exhibition 2023: Cảm xúc trong sáng tạo ánh sáng của sinh viên thiết kế

Triển lãm Nghệ Thuật Chiếu Sáng lần đầu tiên được tổ chức đã thể hiện tinh thần sáng tạo giàu tiềm năng của các sinh viên Khoa Kiến Trúc Nội Thất của Trường Đại học Kiến trúc Tp. HCM, thông qua các tác phẩm về thiết kế ánh sáng.

Để thúc đẩy những hoạt động chuyên môn về kiến trúc và thiết kế nội thất, bên cạnh các chương trình đào tạo bài bản, trường Đại học Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện để sinh viên có thể phát huy và thể hiện sở trường và sự sáng tạo của mình trong quá trình học tập. Vào ngày 6/3 vừa qua, trường đã tổ chức Triển lãm Nghệ Thuật Chiếu Sáng lần đầu tiên trưng bày những đồ án sắp đặt ánh sáng của sinh viên Khoa Kiến Trúc Nội Thất (KTNT).

Triển lãm Nghệ Thuật Chiếu Sáng quy tụ 12 tác phẩm, cũng là bài tập kết thúc học phần Chiếu sáng Nội thất. Mỗi nhóm sinh viên sẽ được phân cho một khu vực trong khuôn viên trường để trưng bày đồ án. Bằng trí tưởng tượng bay bổng và sức sáng tạo đầy sức sống của mình, các sinh viên đã truyền đi những thông điệp, những câu chuyện đầy ý nghĩa và giàu cảm xúc qua các tác phẩm ánh sáng của mình.

trien lam anh sang dai hoc kien truc

TS.KTS Trần Văn Thành, Giảng viên môn Chiếu sáng nội thất của ĐH Kiến trúc Tp. HCM, đồng thời là Người đồng sáng lập và Giám đốc thiết kế của ASA Lighting Design Studios cho biết: “Chiếu sáng Nội thất là một môn tương đối mới do Khoa KTNT cùng tôi xây dựng. Chúng ta đang làm việc trong ngành thiết kế thiên về thị giác, đặc biệt là thiết kế nội thất mà trong đó ánh sáng là một phần quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tiện nghi, thẩm mỹ mà còn cảm xúc của con người trong không gian thiết kế.

Môn học xoay quanh các khía cạnh về các thủ pháp thiết kế và ứng dụng của ánh sáng vào công trình ngoài khía cạnh công năng. Tuy nhiên, ánh sáng là một chủ đề rất phức tạp vì liên quan nhiều đến vật lý và khoa học nên chúng tôi cần đơn giản hóa để sinh viên có thể nắm bắt được.”

trien lam anh sang

Tác phẩm “Mộng”. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

Sau nhiều năm giảng dạy, TS. Trần Văn Thành nhận ra tầm quan trọng của việc thực hành với những người làm nghệ thuật và sáng tạo. Vì thế, trong năm nay, anh đã quyết định kết thúc môn học bằng một dịp đặc biệt để các sinh viên được trực tiếp xây dựng không gian ánh sáng với câu chuyện và chất liệu của riêng mình. Đây cũng là một trong số các hoạt động mà anh cùng nhà trường đã tạo ra nhằm giúp các sinh viên có thêm cơ hội để cọ xát và thực hành bên cạnh các buổi học nhóm, workshop, thảo luận chuyên đề, tham quan công trình thực tế…

trien lam anh sang dai hoc kien truc

Tác phẩm “Lighting” với thông điệp “Nghe thấy ánh sáng – Nhìn thấy âm thanh” của nhóm Tỏa với ý tưởng kết hợp sử dụng ánh sáng để hình ảnh hóa âm thanh từ chiếc đàn piano. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

trien lam lighting

Tác phẩm “Sắc Mưa”. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

Nói về sự quan tâm của các sinh viên với triển lãm lần này, TS. Trần Văn Thành cho biết: “Mỗi năm học tôi đều quan sát và điều chỉnh để môn học trở nên thú vị hơn bằng cách để sinh viên có thể tương tác và trải nghiệm thực tế nhiều hơn, điển hình là triển lãm năm nay. Tôi cảm thấy sinh viên tham gia đầy hào hứng, và rất nỗ lực để thực hiện tác phẩm, hoàn toàn không hề có sự qua loa. Nhiều bạn cũng rất mong chờ năm sau triển lãm sẽ được tiếp tục tổ chức. Tôi cho rằng những cảm xúc đó thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết và hứng thú với môn học. Với tôi, đó là một thành công.”

trien lam anh sang

Tác phẩm “Thác Ánh Sáng” của nhóm Light On mô phỏng một thác nước tại khu vực Hành Lang Điểm A, thể hiện nguồn cảm hứng về cuộc sống tự do, bay bổng nhưng luôn có một đích đến. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

trien lam anh sang

Tác phẩm “Thời” của nhóm sinh viên cùng tên. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

Triển lãm Nghệ Thuật Chiếu Sáng là một ý tưởng hoàn toàn mới, để trở thành hiện thực cần có sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, mà đầu tiên là Trường ĐH Kiến Trúc TpHCM. Theo TS. Trần Văn Thành, Khoa KTNT đã rất ủng hộ ý tưởng và hỗ trợ rất nhiều về nguồn lực về hạ tầng cũng như nhân lực. Tiếp đến phải kể đến đối tác Unios đã không chỉ hỗ trợ cho mượn các thiết bị chiếu sáng mà còn có đội ngũ tư vấn và giải thích tận tình về kiến thức về thiết bị, hiệu ứng và an toàn. Sinh viên còn được đồng hành cùng công ty thiết kế ánh sáng ASA Lighting Studios trong việc hiện thực hóa các ý tưởng.

trien lam anh sang

Tác phẩm “Những Mảnh Ghép Cảm Xúc” sử dụng những chiếc lồng đèn màu để tượng trưng cho những cảm xúc của con người dẫn đến chiếc cây – hiện thân của cội nguồn cảm xúc con người. Mỗi quả cầu cảm xúc mang theo những thông điệp của riêng mình, được kết nối với cây bằng dây thần kinh, thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa những cảm xúc. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

trien lam lighting dai hoc kien truc

Tác phẩm “Vườn Mơ”. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

lighting exhibition dai hoc kien truc

Tác phẩm “Lơ Lửng”. Ảnh: UNIOS/Valor Studio.

Mặc dù chỉ diễn ra trong ba ngày, triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ các sinh viên, những bạn trẻ yêu thích sáng tạo mà còn có các cựu sinh viên và giới chuyên môn, trong đó có thể kể đến như: KTS. Đỗ Ngọc Nguyên – Sáng lập, GĐ thiết kế ADP Group, NTK. Đặng Việt Khoa – GĐ Kaze Studio, Đạo diễn nghệ thuật Cao Trung Hiếu, KTS. Phạm Nhân Thọ –  Sáng lập, GĐ thiết kế Tho.A, NTK Lại Chính Trực – Sáng lập, GĐ thiết kế Red5 Studio…

Sự kiện khép lại vào tối ngày 8/3 và để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng của không chỉ BTC và các sinh viên mà còn của những người yêu cái đẹp, nghệ thuật và thiết kế. Rất mong trong tương lai, sẽ có nhiều hơn những chương trình như Triển lãm Nghệ Thuật Chiếu Sáng để thế hệ trẻ thể hiện được tiếng nói và khả năng của mình qua các tác phẩm.

 

Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: UNIOS/Valor Studio


Xem thêm

Triển lãm Đồ án Tốt nghiệp 2014-2018 của sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội

Triển lãm thiết kế tốt nghiệp 2018 “Tương Lai”