Ngôi nhà của an bình & hạnh phúc

Đã từng đến thăm vài không gian sống tuyệt đẹp của gia đình hạnh phúc này – vợ là nữ diễn viên nổi tiếng, chồng là doanh nhân thành đạt, tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi đến ngôi nhà mang tên “di sản” của họ ở phố cổ Hội An.

Hội An những ngày giữa Thu, khoảng thời gian đẹp nhất trong năm ở thành phố di sản này với những cơn mưa bất chợt, tia nắng chiều mơn man và những cơn gió dịu nhẹ thổi từ sông Hoài. Đó là khoảng thời gian yên bình tuyệt đối cho tôi khi thực hiện một dự án dài hơi và rất cần một chút cảm hứng để khởi động lại nó. Và dường như, không có không gian nào yên bình hơn bằng Lâm An Heritage. Tám ngày ở đây, với những buổi sáng ngồi viết ở ban công bằng gỗ nhìn ra giàn bông giấy mát rượi hay ngồi ăn tối ở khu vực giếng trời có cây hoa lộc vừng được tô điểm với dãy đèn lồng màu trắng, tôi như được nạp lại năng lượng và tràn ngập cảm hứng để khởi động công việc.

Là những người yêu nghệ thuật và ngưỡng mộ cái đẹp của những giá trị cổ xưa, việc có một ngôi nhà nằm trong di sản văn hóa được Unesco bảo tồn mang một ý nghĩa rất đặc biệt với chủ nhân của ngôi nhà. Lâm An Heritage được đặt tên với ngụ ý đây sẽ là một ngôi nhà đầm ấm, an nhiên tự tại, có sức sống mạnh mẽ nằm ẩn trong lòng một Di sản văn hóa đã trường tồn qua bao nhiêu năm tháng.

Lâm An Heritage - 1

Ngôi nhà gỗ khá lớn được thiết kế một cách hài hòa, tinh tế thành hai khu vực riêng biệt và được kết nối bằng giếng trời đón ánh sáng ở giữa.

Lâm An Heritage - 2

Hai không gian ở hai đầu nhà được decor khác nhau hướng ra hai con phố cổ sầm uất nhưng vẫn được gián cách bởi hai khu vườn nhỏ.

“Lâm An có nghĩa là an bình và thoải mái, với mong muốn được sống trong một không gian mà chúng tôi cảm thấy trí óc an bình, cơ thể thoải mái và tâm hồn được sáng tạo để tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm những không gian sống của mình. Mỗi căn nhà của chúng tôi đều có chung ý nghĩa đó nhưng mang một dấu ấn riêng : Căn ở Hội An đậm chất di sản, Sài Gòn hiện đại và nghệ thuật, nhà ở Bồ Đào Nha quyến rũ, Singapore sống động”.

Lâm An Heritage - 3

Khi lần đầu tiên bước vào căn nhà này, họ đã biết ngay là mình cần phải làm gì và sửa chữa lại ngôi nhà như thế nào để vừa giữ lại được nét cổ xưa của nhà Hội An nhưng cũng phải hiện đại và thuận lợi, nhiều tiện ích cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình hàng ngày như những ngôi nhà khác của họ.

“Ông bà ngày xưa thường nói mua nhà cũng phải có cái duyên. Sau 7 năm đi lại rất nhiều lần giữa Sài Gòn và Hội An, xem qua rất nhiều ngôi nhà, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi này, và ưng ý nhất. Một trong những điều mà chúng tôi đặt ra khi tìm nhà ở Hội An là phải ở trong phố cổ, phố đi bộ nhưng lại không ở chỗ đông người qua lại hay những hàng quán ầm ĩ xung quanh”, nữ chủ nhân chia sẻ.

Quan trọng nhất là tìm được một kiến trúc sư đồng cảm và hiểu được phong cách mình. Nữ chủ nhân của căn nhà, vốn là một nữ diễn viên nổi tiếng, chia sẻ rằng: “Tôi biết KTS Bùi Kiến Quốc từ khi quay phim Người Mỹ Trầm Lặng ở Hội An, vẫn nói với anh Quốc là thế nào em cũng phải mua được nhà ở Hội An để làm việc cùng với anh. Anh Quốc là một trong những người đầu tiên về ở Hội An và anh rất hiểu văn hóa cũng như cách sống của người bản địa. May mắn là ý tưởng sửa chữa lại hoàn toàn căn nhà cổ này của chúng tôi cũng trùng hợp với ý tưởng của anh Quốc. Vậy nên bắt đầu tiến hành sửa chữa luôn, cũng phải mất hơn một năm mới xong vì mọi thứ anh Quốc đều dùng theo cách ngày xưa người dân ở đây làm nhà”.

Cô nói tiếp, “Lúc mua, toàn bộ gỗ trong nhà đều đã bị sơn màu đen để tạo cảm giác cổ xưa, nhưng ở trong nhà rất tối. Tôi lại thích màu gỗ tự nhiên, vì đối với tôi, quan trọng nhất là căn nhà gỗ nhưng phải sáng sủa, sạch sẽ. Anh Quốc cho thợ người Hội An vào cạo hết toàn bộ gỗ của nhà bằng thủ công để có lại màu gỗ tự nhiên. Riêng công đoạn này cũng phải mất mấy tháng trời”.

Sau hơn một năm thì phần sửa chữa tạm ổn. Đến phần trang trí nội thất đôi vợ chồng đều tự tay làm hết. Giống như tất cả các căn nhà khác, họ không thuê người thiết kế nội thất vì hơn ai hết, họ biết rõ nhất không gian sống của mình và cách bày biện đồ đạc trong căn nhà theo phong cách cá nhân. Nhà ở Hội An nên phần lớn họ sử dụng nhiều đồ gỗ cổ như bàn ghế, giường, tủ, bức bình phong của Việt Nam. Để tạo sự riêng biệt và mang dấu ấn cá nhân, họ phối thêm tranh, điêu khắc, sofa, thảm, đèn chùm và một vài cái ghế được thiết kế bởi Phillippe Starck. Những sản phẩm decor này được đặt mua ở Mỹ, Pháp và Singapore. Và dĩ nhiên không thể thiếu đèn lồng đặc trưng Hội An, nên ở khu vực giếng trời, nơi có thể ngồi ăn tối, họ treo một dàn đèn lồng Hội An màu trắng. Kết quả mỹ mãn là căn nhà được trang trí theo kiểu cổ điển hòa trộn với hiện đại.

Lâm An Heritage vừa là một không gian nghỉ dưỡng ở phố cổ Hội An, vừa là một ngôi nhà ấm cúng, tiện ích và là một “thiên đường nhỏ” hạnh phúc cho cả gia đình. Chủ nhân của ngôi nhà là những người hạnh phúc nên làm gì, ở đâu họ cũng đặt sự hạnh phúc lên hàng đầu. Với họ, chính tình yêu và bình an làm nên niềm hạnh phúc đó.

Lâm An Heritage - 4

Mọi góc của căn nhà mang lại những trải nghiệm khác để người ở trong không bị nhàm chán hay thấy không gian quá rộng. Cho dù ở đâu trong căn nhà cũng đều có cảm giác yên bình và vui vẻ.

Không gian sinh hoạt chủ yếu đặt ở tầng 2 với hai phòng ngủ ấm cúng, có góc đọc sách và đặc biệt là ban công đón nắng và gió từ sông Hoài thổi vào. Không ti vi, dàn nhạc hay công nghệ hiện đại nào xuất hiện trong ngôi nhà. Một cảm giác an bình và thư giãn tuyệt đối!

Lâm An Heritage - 6

Lâm An Heritage - 5

Cả hai vợ chồng đều thích cây xanh, nhà nào cũng phải có vườn cây. Với căn nhà này, họ lấy luôn hai mặt tiền ở hai đầu phố làm thành hai cái vườn nhỏ. Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài vườn lúc nào cũng thấy thư giãn và thoải mái. Ngược lại từ ngoài đường nhìn vào căn nhà có cảm giác hơi bí ẩn một chút.

KTS Bùi Kiến Quốc chia sẻ:

Khi thiết kế trên một di sản, vốn rất khác khi thiết kế một ngôi nhà mới, trong trường hợp ở phố cổ Hội An, ngôi nhà đã có sẵn, không cần phải thiết kế lại không gian. Tuy nhiên đối với nhà Lâm An Heritage, lúc mới sở hữu không gian này đã bị thiệt hại đi rất nhiều bởi sự sửa chữa sai lầm trước đó. Vì vậy việc thiết kế hướng đến hai mục tiêu chính:
Một là tìm lại và phục hồi bản chất của không gian xưa (của một ngôi nhà phố cổ Hội An). Hai là điều chỉnh và dung hòa không gian này cho phù hợp với lối sống của cặp vợ chồng chủ nhân (một không gian sống hiện đại cần thoáng đãng hơn và nhiều ánh sáng hơn so với một ngôi nhà cổ).

Đồng thời việc thiết kế còn hướng đến giải quyết sự tiếp xúc giữa nhà và phố. Thông thường những ngôi nhà phố cổ Hội An là nhà buôn nên ranh giới giữa hai không gian này là một cửa tiệm (cuốn hút và mời chào khách vào), trong khi đó giữa một ngôi nhà ở (yên tĩnh) và con phố (ồn ào) cần một lớp cách biệt, chuyển giao. Vì vậy mà ở Lâm An Heritage có một khu vườn tách biệt không gian ở và phố phường, một điều rất hiếm thấy trong kiến trúc Hội An.

Cuối cùng, Lâm An Heritage là một ngôi nhà truyền thống Hội An có hai mặt tiền và một giếng trời ở giữa. Mô hình này giúp đáp ứng toàn bộ những điều kiện trên: Tạo ra một ngôi nhà độc nhất với không gian nhiều cây xanh và tràn ngập ánh sáng.

Nhiệm vụ của KTS là giải quyết những vấn đề đó (sự riêng tư, cảnh quan, ánh sáng) còn phần nội thất và trang trí là sự lựa chọn của gia đình. Công việc của một KTS là hiểu lối sống của gia đình và tạo điều kiện để lối sống đó trở nên hài hòa, tiện nghi, đồng thời giảm thiểu những yếu tố làm mất đi sự hài hòa, tiện nghi đó.

Lâm An Heritage - 8

Lâm An Heritage - 9

Gỗ là một vật liệu sống, rất phù hợp với không gian sinh hoạt. Gỗ giúp tạo cho con người không khí hài hòa, dễ chịu, thoải mái. Việc toàn bộ ngôi nhà đều được sử dụng chất liệu bằng gỗ không phải là một lựa chọn, mà là phương án duy nhất. Hơn nữa Phố cổ Hội An là một “quần thể kiến trúc” với những điều lệ ràng buộc, khắt khe về vật liệu truyền thống.

Lâm An Heritage - 10

Bài : Lê Hồng Lâm – Hình ảnh : Naoto Ohike