Kỹ năng thoát hiểm cần biết để có thể sống sót qua hoả hoạn

Các vụ hoả hoạn xảy ra thường bất ngờ và diễn biến rất nhanh chóng, khó lường. Nắm rõ những kỹ năng cơ bản sau đây có thể giúp bạn và người thân sống sót khỏi một vụ cháy, đặc biệt là trong một toà nhà cao tầng.

Ảnh: redcross.org

1. Sống sót qua làn khói

Bạn có biết khói sinh ra từ một vụ cháy mới là nguyên nhân chính khiến nạn nhân tử vong. Thông thường khói sẽ bốc lên cao, nên để thoát hiểm hãy cố gắng bò thấp xuống sàn nhà. Nhanh tay dùng miếng vải ướt để bịt mũi, việc này sẽ giúp hạn chế nguy cơ bạn hít phải khí độc. Nếu không thể thoát ra ngoài, hãy đóng cửa, lấy giẻ ướt nhét vào các khe cửa, lỗ thông khí, cửa hút gió để tránh cho khói độc tràn vào nhà. Hãy bịt mũi cho mình trước rồi đến trẻ nhỏ, khi phải bế trẻ chạy thoát ra ngoài hãy dùng miếng vải to trùm người trẻ, che được cả mặt và đầu để tránh hơi nóng và ngăn trẻ hít phải khói độc.

2. Định hướng thoát hiểm

Tuyệt đối không sử dụng thang máy để thoát hiểm trong một vụ cháy, bạn hãy cố gắng tìm cầu thang bộ. Một trong những nguyên tắc cơ bản bạn cần ghi nhớ, đó là: luôn giữ thói quen xác định và ghi nhớ trước lối thoát (exit) khi vào một toà nhà. Nếu vụ cháy xảy ra ở bên ngoài, bạn nên dùng mu bàn tay để thử độ nóng của cửa, nếu thấy ấm có nghĩa là đám cháy đã lan đến chỗ bạn. Khi ấy bạn đừng mở cửa mà nên dùng lối khác để trốn thoát, như phía cầu thang thoát hiểm ngoài cửa sổ chẳng hạn. Không nên tìm cách chạy xuyên qua làn khói lửa dày đặc bởi phần lớn khả năng là bạn sẽ bị ngộp thở trước khi tìm thấy lối ra.

3. Thoát hiểm từ trên cao

Việc nhảy xuống từ trên cao có rủi ro tử vong và thương tật rất lớn. Để tăng khả năng sống sót, bạn nên chủ động mua sẵn thang cứu hộ để trong nhà- chỗ gần cửa sổ hoặc ban công. Hãy cầm đèn pin, quần áo sáng màu để báo hiệu cho bên cứu hộ vị trí của mình. Nếu khả thi hãy cố cầm cự, bịt kín cửa bằng vải ướt để ngăn khói cho đến khi cứu hoả mang thang chuyên dụng tới.

4. Dập lửa bén lên người

Nếu chẳng may bị lửa bén vào quần áo hãy nhanh chóng nằm lăn nhiều  vòng trên sàn nhà để dập lửa. Đừng chạy, bởi làm thế chỉ khiến lửa bắt oxy và cháy to hơn. Nếu chẳng may bị phỏng, hãy làm mát vết thương bằng nước từ 3-5 phút.

5. Luôn sẵn sàng

Hãy lắp đặt thiết bị báo cháy trong nhà và chủ động kiểm tra mỗi tháng một lần. Nếu bạn sống ở chung cư, hãy yêu cầu kiểm tra hệ thống khi nhận nhà, đồng thời theo dõi lịch diễn tập phòng cháy chữa cháy để có được những kĩ năng cần thiết. Bạn cũng nên sắm cho mình một bình chữa cháy và học phương thức sử dụng an toàn cũng như phổ biến cho người nhà. Khi phát hiện có lửa hãy kêu to “cháy” để báo động cho mọi người rồi gọi điện cho cứu hoả ngay lập tức.

Nếu nhà bạn có con nhỏ, bạn nên cho con làm quen với tiếng chuông báo cháy và những việc cần làm khi chuông vang lên. Hướng dẫn cho trẻ hai lối thoát nhanh nhất khỏi phòng khi có hoả hoạn xảy ra.

Chuẩn bị sẵn kế hoạch trốn thoát khi có hoả hoạn và cùng mọi người trong nhà luyện tập nghiêm túc.

Nếu nhà bạn có song cửa, hãy lắp đặt loại có chốt tháo/lắp để có đường thoát khi lửa bùng lên. Những song cửa hàn kín sẽ tạo thành những cái lồng chết người trong trận hoả hoạn.

Một khi đã thoát được ra ngoài, bạn hãy đến chỗ tập trung an toàn. Đừng tìm cách quay ngược trở lại đám cháy mà hãy báo cho bên cứu hoả vị trí của người nhà đang kẹt và để người có chuyên môn tiếp tục cứu hộ.

Chúc bạn an toàn và thành công!

Thực hiện: Phương Nguyễn theo Red Cross