Phong vị Tết Á Đông

Cho dù là ngày đầu năm của Âm lịch, Dương lịch hay Phật lịch, với các quốc gia Á Đông, Tết cổ truyền luôn là thời điểm để chúc nhau điều lành, rũ bỏ mọi vướng bận và mong đợi một năm mới hạnh phúc hơn. Không chỉ thông qua các nghi thức truyền thống mà trong chính cách trang trí nhà cửa, phố phường, người ta đã ngầm gửi gắm những nguyện ước tân niên tốt đẹp.

Trung Quốc

elledecoration.vn phong vị tết á đông 1

Sắc đỏ ngập tràn chính là biểu tượng thị giác mạnh mẽ nhất trong ngày Tết Trung Hoa.

Tết Nguyên đán của Trung Quốc ngập tràn sắc đỏ. Trong văn hóa phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho lửa – hiện thân của ánh sáng và khả năng sinh sôi, mang đến sự giàu có, sung túc, xua đi tà ma và những điều bất hạnh. Mọi người thường mặc trang phục màu đỏ, viết thơ trên giấy đỏ, tặng tiền lì xì trong phong bì đỏ và trang trí nhà cửa cũng với tông màu đỏ chủ đạo. Lồng đèn đỏ được treo từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, dọc theo các con phố. Truyền thống này khá phổ biến ở Singapore, Việt Nam và các quốc gia châu Á ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa.

Ngoài ra, người ta sẽ treo nút thắt may mắn ở mặt tường chính hoặc dọc theo hành lang. Có nhiều loại nút thắt như “đồng tâm kết”, “bình an kết” hoặc “cát tường kết” tùy thuộc vào mong ước của gia chủ. Bản thân từ “kết” đã gợi lên những điềm lành, tượng trưng cho tình cảm thân mật, gắn kết và hình ảnh đoàn viên, sum họp ngày đầu năm.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 2

Chữ Phúc treo hoặc dán ngược tượng trưng cho vận may đáo gia, được trưng bày như một chi tiết trang trí đơn giản và phổ thông nhất mỗi dịp Tết.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 3

Bánh xếp hấp là món ăn truyền thống mỗi dịp Xuân về, được người Trung Quốc cẩn trọng thực hiện và cùng gia đình thưởng thức trong thời khắc chuyển tiếp sang năm mới.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 4

Các hình ảnh cách điệu được cắt tỉa tỉ mỉ trên nền giấy đỏ là nét văn hóa đặc trưng của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc thường trang trí nhà cửa ngày Tết bằng các mẫu giấy đỏ cắt hoa văn phức tạp (thường là hình ảnh cách điệu của cây cối, động vật và văn tự, đại diện cho nhiều mong muốn khác nhau). Chúng được dán trên mảng tường trắng hoặc các bề mặt trong suốt để tạo sự tương phản, ví dụ như kính cửa sổ, vách ngăn…

Trước đây, mỗi ngôi nhà đều có hai vị thần giữ cửa trước cổng để tránh lũ quỷ đến quấy rầy. Ban đầu, thần giữ cửa được tạc bằng gỗ đào, về sau, người ta vẽ lên cửa, rồi chuyển thành hình dán bằng giấy. Ngày nay, nhiều gia đình đơn giản hóa tục lệ này bằng hai liễn đối viết bằng thư pháp trên giấy đỏ. Một nét đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc là chữ Fu (Phúc) treo hoặc dán ngược. Truyền thống thú vị này đến từ một nhầm lẫn và người ta gọi nó là “Phúc đảo”. Chữ “đảo” có nghĩa là “đảo ngược” nhưng cũng có nghĩa là “đổ ra” và đọc gần như “trở lại” (đáo). Đây chính là mong ước mọi phú quý, tài lộc và vận may sẽ “đổ” vào hoặc “trở lại” trong năm mới. Không phải mai hay đào như ở Việt Nam, mỗi ngôi nhà ở Trung Quốc nhất định phải có cây quất (Kumquat) vào ngày Tết. Cây kumquat còn được gọi là “gam gat sue” (tiếng Quảng Đông) hay “jinju shu” (tiếng Quan Thoại), đều mang ý nghĩa may mắn và giàu có. Họ cũng bày các đĩa quất vàng ở nhiều nơi trong nhà và mỗi đĩa đều có 8 quả không hơn không kém, vì số 8 tượng trưng cho tuổi thọ và phát tài.

Hàn Quốc

elledecoration.vn phong vị tết á đông 5

Mâm cỗ gia tiên của người Hàn Quốc gồm các loại bánh, mứt truyền thống.

Tết của Triều Tiên và Hàn Quốc gọi là Seollal hay Won Dan (theo tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán) và cũng bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm Âm lịch. Người Hàn Quốc sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước Tết một hoặc hai ngày. Đây là thời điểm để họ vứt bỏ những vật dụng dư thừa, không cần thiết để bắt đầu năm mới tinh gọn, nhẹ nhàng. Mỗi ngôi nhà Hàn Quốc sẽ treo một sợi dây dài trên tường hoặc ngưỡng cửa và chuẩn bị sẵn các mảnh giấy vuông nhiều màu sắc. Khách đến nhà sẽ viết lời chúc vào giấy và đính lên dây. Các đồ vật trang trí ngày Tết thường mang hình ảnh chim hạc (tượng trưng cho sự trường thọ), chim ác là (mang ý nghĩa tin vui), vịt trời (may mắn) và mặt trời (khởi đầu mới) cùng nhiều biểu tượng truyền thống khác.

Người Hàn Quốc cũng treo đèn lồng đỏ và họa tiết giấy đỏ gần giống với người Trung Quốc. Tuy nhiên, họ còn treo những chiếc diều rực rỡ sắc màu quanh nhà, bắt nguồn từ truyền thống thả diều ngày Xuân. Đặc biệt, các gia đình Hàn Quốc luôn có một (hoặc nhiều) bình phong ở trong nhà. Các bức bình phong được vẽ tranh thủy mặc hoặc viết lên một bài thơ, câu đối theo lối thư pháp, thường đặt sau mâm cỗ gia tiên. Mâm cỗ này được bày trên một chiếc bàn dài và thấp, với rất nhiều món ăn và các loại bánh truyền thống. Khu vực hành lễ của người Hàn Quốc cũng có một bức bình phong lớn, phía trước là thảm lớn màu đỏ hoặc đệm ngồi bọc nhung thêu họa tiết phượng hoàng, chim hạc… để ông bà, cha mẹ ngồi nhận lễ từ con cháu.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 6

Vật trang trí ngày Tết của gia đình Hàn Quốc thường mang các hình ảnh biểu tượng.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 6

Các loại thảm nhung, lụa có họa tiết sang trọng được đặt ở khu vực quan trọng nhất.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 7

Bojagi là nghệ thuật dệt vải họa tiết đặc trưng trong văn hóa Đại Hàn.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 8

Mọi người viết lời chúc, mong ước vào giấy màu và treo lên dây thừng.

Nhật Bản

elledecoration.vn phong vị tết á đông 9

Đường phố Nhật Bản ngày Tết rực rỡ với các cành Mochibana và lồng đèn đỏ.

Tết cổ truyền của Nhật Bản gọi là Oshougatsu (Chính Nguyệt), bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigami, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Tết Oshougatsu cũng bắt đầu vào năm mới Âm lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Mặc dù ngày nay Nhật Bản đã chuyển qua đón Tết theo lịch dương nhưng các nghi thức ăn Tết truyền thống vẫn được giữ nguyên.

Vào dịp Tết, các gia đình Nhật Bản sẽ đặt trước cổng nhà cây nêu hoặc cây Kadomatsu gồm những cành thông, tùng xếp vào những ống tre tươi vát chéo. Tương truyền rằng, thần Toshigami sẽ hạ giới thông qua chiếc thang làm từ tre tươi và trú ẩn trong những cây Kadomatsu này. Người Nhật cũng quan niệm cây thông, tùng mang lại sự may mắn và trường thọ. Khung cửa của các ngôi nhà Nhật vào ngày Tết thường được trang trí bằng các món đồ đan bằng lá, quả quýt, dây thừng bện bằng cỏ khô (Shimenawa) hoặc dải giấy trắng. Trong đó, quả quýt tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng; thừng bện bằng cỏ được treo ở điện thờ hoặc nơi thờ cúng, kính dâng lên thần linh cầu tài lộc; lá cây màu xanh mang đến sức sống mới còn dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi tà ma.

Mỗi nhà sẽ kết hợp các món trang trí trên theo cách khác nhau, gọi chung là bùa Shimekazari với ý nghĩa không cho ma quỷ vào nhà. Một số ngôi nhà còn có cây Mochibana, được làm từ cành liễu đính các loại giấy gói mochi hồng và trắng, tượng trưng cho mùa Xuân. Cây Mochibana bắt nguồn từ phía Bắc Nhật Bản, nơi quanh năm phủ tuyết và hoa không thể phát triển. Người dân vùng này làm Mochibana để họ cũng có “hoa” trong nhà đón Tết. Bên cạnh đó, người Nhật sẽ đặt bánh Kagami Mochi xung quanh nhà (gồm hai tầng bánh mochi và một quả quýt nhỏ trên cùng) từ cuối năm cho đến ngày 11/1. Bởi vì Kagami Mochi được làm từ gạo nên người Nhật tin rằng nó chứa đựng tinh thần của thần Toshigami, mang lại mùa màng tốt đẹp, phước lành và sức sống trong năm mới.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 10

Mochibana là các cành liễu đính giấy gói mochi hồng và trắng, tượng trưng cho mùa Xuân.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 12

Một chiếc bùa Shimekarazi.

Thái Lan

elledecoration.vn phong vị tết á đông 13

Lễ hội Té nước Songkran được xem là ngày Tết truyền thống của đất nước Thái Lan, Lào và Campuchia.

Thái Lan không có Tết Nguyên đán như các quốc gia khác, thay vào đó, lễ hội Té nước Songkran mới là dịp Tết truyền thống của xứ Chùa Vàng, nhằm mục đích tạ ơn trời đất và cầu xin may mắn trong vụ mùa lúa nước. Lễ hội diễn ra vào ngày đầu năm theo Phật lịch (nhằm 13-15/4 dương lịch) với nhiều sự kiện, nghi lễ, và các cuộc thi sôi nổi. Lào và Campuchia cũng đón năm mới trong dịp này. Nhà cửa trong khoảng thời gian này được dọn dẹp ngăn nắp, đặc biệt bàn thờ Phật được lau chùi sạch sẽ.

Tục lệ truyền thống của Songkran là dùng một bát nước tưới lên người khác để giúp người đó gột rửa bụi trần, về sau phát triển thành lễ hội Té nước. Nét đặc trưng của Tết Songkran là rất nhiều lá cờ với đủ mọi hoa văn, màu sắc được treo khắp nơi. Đó là những lá cờ dài in hình 12 con giáp, voi, đền chùa; là những dải giấy nhiều màu hay đơn giản chỉ là hàng trăm lá cờ tam giác được buộc với nhau và treo lên cột trong các ngôi chùa. Bên cạnh đó, vô số hoa tươi đặt quanh các tượng Phật hay kết thành chuỗi treo trước nhà cũng khiến cho đường phố Thái Lan trở nên vô cùng rực rỡ. Ở các tỉnh miền Bắc, người ta thường cầm vài nắm đất, cát đến chùa gần nhà dâng cúng để bày tỏ sự đền bù cho đất, cát mà những bước chân của mình đã lấy đi khỏi nền đất trong cả năm qua. Sau đó, số đất này được vun lên, đắp thành những tháp hình chóp rồi trang trí hoa, cờ nhiều màu và đốt nến xung quanh.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 14

Nét đặc trưng của Tết Songkran là các loại cờ với nhiều hình dáng, hoa văn, màu sắc… được treo khắp nơi, đặc biệt là trong đền, chùa, đường phố.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 15

Sau đó đất cát này được vun lên, đắp thành những tháp hình chóp rồi trang trí hoa, cờ nhiều màu và đốt nến xung quanh.

elledecoration.vn phong vị tết á đông 16

Lễ hội diễn ra vào ngày đầu năm theo Phật lịch (nhằm 13-15/4 dương lịch) với nhiều sự kiện, nghi lễ, và các cuộc thi sôi nổi.

Bài : Molly Thanh Hằng – Ảnh : Tư liệu


Xem thêm : 

Rong chơi mùa lá đỏ

Phượng Hoàng trấn cổ ngàn năm