8 triển lãm đặc sắc tại lễ hội Venice Art Biennale 2017

Venice Art Biennale lần thứ 57 đang diễn ra tại khắp thành phố Venice, Ý, liên tục từ ngày 13/5/2017 đến 26/11/2017.

Được tổ chức lần đầu vào năm 1895, Venice Art Biennale là lễ hội nghệ thuật lớn nhất và lâu đời nhất thế giới. Năm nay, sự kiện được giám tuyển bởi Christine Marcel của Trung tâm Nghệ thuật Pompidou với chủ đề “Viva Arte Viva”, được cô diễn giải là “một biennale thiết kế cho nghệ sĩ, bởi nghệ sĩ, với trung tâm là thực hành của chính họ”.

Mỗi quốc gia sẽ lựa chọn tác phẩm nổi bật nhất và trưng bày trong pavilion (gian nhà triển lãm) của nước mình. Nghệ sĩ, giám tuyển, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhạc sĩ và cả người tị nạn đều có sự hợp tác trong các tác phẩm được trưng bày lần này, từ sắp đặt kiến trúc cho đến trình diễn không gian, thể hiện mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội.

Dưới đây là 10 tác phẩm đặc sắc nhất của Venice Art Biennale 2017.

Dialogo – Ettore Sottsass & Carlo Scarpa

Showroom Olivetti, Piazza San Marco

Một triển lãm trưng bày các sản phẩm đồ gốm ít người biết của nhà thiết kế người Milan và là người sáng lập nhóm Memphis – Ettore Sottsass, được kiến trúc sư đến từ Venice, Carlo Scarpa, khôi phục lại vào năm 1957. Triển lãm diễn ra tại showroom Olivetti, giám tuyển bởi nhà sưu tập Charles Zana, nhằm thiết lập một cuộc đối toại giữa hai nhà tài năng người Ý này.

70 hiện vật do Sottsass tạo ra từ năm 1957 đến 1969 được đặt trên toàn bộ không gian hai tầng. 3 biểu tượng totem nhiều màu sắc, cao 1,5 mét, đặt ở lối vào trong khi những bình hoa có cấu trúc hình học độc đáo được đặt ở ngưỡng cửa sổ có hình dạng thấu kính.

Living Dog Among Dead Lions – Vajiko Chachkhiani

Pavilion Georgian, Arsenale

Năm nay, khu vực Georgian chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ bị bỏ quên, được tìm thấy ở vùng quê Georgian và được nghệ sĩ Vajiko Chachkhianni lắp ráp ngay tại triển lãm. Đồ nội thất, tranh ảnh, đèn chiếu sáng và đồ gia dụng là những thứ duy nhất được trưng bày bên trong.

Chachkhiani đã tái hiện một trận mưa dông không bao giờ dứt bằng cách đục hàng trăm lỗ thủng bên dưới trần nhà và lắp đặt hệ thống tưới nước ở trên. Nước đọng thành vũng trên sàn nhà và đồ đạc, nhỏ thành giọt từ những vết nứt của gỗ. Du khách có thể chứng kiến nội thất bên trong mục nát và phân rã từ từ suốt quá trình diễn ra sự kiện, trong khi ngoại thất của ngôi nhà vẫn nguyên vẹn.

Folly – Phyllida Barlow

Pavilion Anh, Giardini

Những tác phẩm điêu khắc có các vệt màu loang lổ và phồng to bất thường, được xiên trên những trụ kim loại mảnh, tập hợp quanh lối vào khu vực trưng bày tân cổ điển của nước Anh. Bên trong, một rừng cột màu xám lấn át nội thất của không gian triển lã, trong khi ở khu vực khác, một bức tường ván gỗ nhiều màu sắc với những tảng đá nhọn nhô ra đầy mạo hiểm.

Được sáng tạo bởi nhà điêu khắc 73 tuổi người Anh, Phyllida Barlow và được ủy thác bởi Hội đồng Anh, những tác phẩm điêu khắc đồ sộ này có cấu tạo từ bìa cứng, sơn, bọt biển, ván ép và bê tông.

Faust – Anne Imhof

Pavilion Đức, Giardini

Nghệ sĩ Anne Imhof đã biến khu vực kiến trúc mang tinh thần Đức quốc xã thành một sân khấu đầy thù địch trong triển lãm mang tên Faust. Phía trước lối vào bị chặn bởi hàng rào lưới chống các cuộc bạo động và một cặp chó Doberman canh gác. Bên trong, một hệ sàn bằng kính phủ kín căn phòng, những bệ kính nhô ra khỏi tường và lớp gương phản chiếu khiến không gian tràn đầy ảo ảnh. Tại vài thời điểm trong ngày, một nhóm nghệ sĩ trẻ trong bộ đồ thể thao màu đen sẽ chiếm lĩnh căn phòng. Họ chuyển động vô hồn giữa những du khách, tựa vào tường, bò bên dưới lớp kính và làm những hành động kỳ quái.

Faust đã được trao giải thưởng Golden Lion – Best Biennale Pavilion, nó được ban giám khảo mô tả là “một tác phẩm sắp đặt mạnh mẽ và náo động, đặt ra câu hỏi cấp bách về thời gian của chúng ta”.

The Unplayed Notes Factory – Loris Gréaud

Campellio della Pescheria, Murano

Với biennale năm nay, nghệ sĩ người Pháp Loris Gréaud đã khôi phục một nhà máy không sử dụng tại một hòn đảo của Murano – trung tâm chế tác thủy tinh nổi tiếng của Venice. Lò nấu thủy tinh được chuyển thành một dây chuyền sản xuất lặp lại đều đặn như bị thôi miên, với những người thợ thổi thủy tinh làm việc liên tục để tạo nên 1.000 mẫu vật treo trên mái của nhà máy.

 

Treasures from the Wreck of the Unbelievable – Damien Hirst

Palazzo Grassi & Punta della Dogana

Tác phẩm của nghệ sĩ người Anh Damien Hirst được xem là một trong những triển lãm tốn kém nhất của nghệ sĩ đương đại. Triển lãm mở rộng ở cả hai viện bảo tàng của thành phố là Punta della Dogana và Palazzo Grassi, chứa gần 200 tác phẩm nghệ thuật mới, bao gồm 100 tác phẩm điêu khắc bằng các vật liệu quý như vàng, đá cẩm thạch, đồng thiếc và pha lê.

Tác phẩm lớn nhất là một con quỷ bị chặt đầu cao 16 mét phủ đầy vỏ hàu được đặt ở sân trong của bảo tàng Palazzo, bị cho là đã mất tích trong một vụ đắm tàu cách đây 2.000 năm và được “giải cứu” khỏi biển khơi bởi người nghệ sĩ từng thắng giải Turner. Hirst chơi đùa với những ý tưởng về tính nguyên bản, khẳng định rằng triển lãm này là “tất cả về những gì mà bạn muốn tin tưởng”.

Studio Venezia – Xavier Veilhan

Pavilion Pháp, Giardini

Nhà điêu khắc người Pháp Xavier Veilhan đã biến gian triển lãm quốc gia của mình thành một phòng thu âm và đưa âm nhạc vào trung tâm của nó. Veilhan sửa sang lại nội thất để tạo ra lớp bề mặt bằng gỗ, cách âm và các nhạc cụ quá khổ được tích hợp vào sàn nhà.

Trong bảy tháng tiếp theo, hơn 100 nhạc sĩ – từ cổ điển đến điện tử – sẽ sử dụng studio để trải nghiệm và thu âm tác phẩm của họ, kể cả solo lẫn hợp tác với những nhạc sĩ khác.

The Golden Tower – James Lee Byars

Campo San Vio, Dorsoduro

Một biểu tượng totem bằng vàng cao 20 mét được dựng lên tại Campo San Vio, Venice, bên cạnh kênh Grand Canal trong suốt thời gian diễn ra biennale. Tác phẩm điêu khắc được tạo ra bởi nghệ sĩ người Mỹ James Lee Byars vào năm 1976, nhưng đây là lần đầu tiên nó được trưng bày tại một không gian công cộng.

Bài: ĐOÀN TRÚC – Ảnh: Tư liệu