Ngôi nhà mật tông

Làm sao để một ngôi nhà có thể hài hòa được hai tiêu chí có khoảng cách: sinh hoạt gia đình và tinh thần tôn giáo. Để giải quyết được “đề bài” đó, nhóm kiến trúc sư đã phải mất 5 năm trời.

5 năm để họ hài hòa được nhu cầu ở tiện nghi và  thoải mái với niềm đam mê Phật giáo Mật tông của chủ nhà. Và như chia sẻ của KTS Trương Tiến Vĩnh, giải pháp có vẻ mơ hồ nhưng lại rất thực là nhóm thiết kế phải hóa thân thành chính chủ nhà.

“Chúng tôi phải thu thập mọi thứ về gia chủ, nếp sống, những niềm yêu thích và tất nhiên là cả đức tin của họ”. Từ đó, nhóm KTS dần định hình không gian hay nói cách khác là phần hồn của ngôi nhà.

Bối cảnh của công trình là một ngôi nhà song lập hay nói cách khác là hai khối nhà nối với nhau bởi một hàng rào. Nhóm thiết kế phá bỏ khoảng cách này và kết nối hai khối nhà bằng hành lang không gian sân vườn ở tầng một và một mô hình nhà cầu nối ở tầng hai.

Khi hai khối nhà đã được kết nối, nhóm thiết kế phân chia các không gian đảm bảo các nhu cầu: không gian sinh hoạt gia đình, không gian dành cho khách ghé thăm và nghỉ lại, không gian riêng tư của spa và làm việc, đọc sách…  Ở đây, tính đương đại và tinh thần Mật tông bắt đầu được hòa trộn một cách tinh tế nhất.

Một góc kết nối hài hòa của các giá trị Đông và Tây, đương đại và tâm linh truyền thống. Bức vách được chế tác bởi các nghệ nhân làng nghề mộc Đồng Kỵ mang hơi hướm hoa văn Phật giáo.

Bàn đá tạo điểm nhấn bằng gạch bông tông vàng cổ điển khiến các chi tiết không “chõi” nhau mà cộng hưởng cảm giác thoải mái của ngôi nhà.

Những tấm bình phong, hệ thống cửa mang hoa văn Mật tông của nghệ nhân làng gỗ Đồng Kỵ chế tác hài hòa với thiết kế tối giản của nội thất. Những lát cắt “mạnh tay” mang đậm dấu ấn Bauhaus được làm mềm bằng gạch bông hoa văn, bằng tượng tôn giáo. Hay như một khoảng treo nối giữa hai khối nhà được thi công khá cầu kỳ tạo cảm giác của mưa khi ánh sáng chiếu vào bức tường với những điểm nhấn hoàn toàn chỉ làm theo phương pháp thủ công.

Ngôi nhà vẫn dành những không gian đáp ứng nhu cầu đặc trưng của gia chủ như căn phòng này. Ở đây hoàn toàn chỉ có sự tĩnh tại và nghiêm cẩn của Phật giáo Mật tông nhưng vẫn không quá nặng nề cảm giác của một nơi tu tập mà “cởi mở” nhờ khoảng không xanh và ánh sáng tự nhiên qua khung cửa sổ rộng.

Cái khó của kiến trúc chính là sự gặp nhau giữa người sáng tạo và người sử dụng. Đó cũng là một phần lý do khiến công trình này có thời gian hoàn thiện kéo dài tới 5 năm.

Nhưng cuộc theo đuổi này đã đem lại một cái kết viên mãn. Nhóm thiết kế đã trao lại cho chủ nhân một ngôi nhà đáng sống. Bởi nó không chỉ đảm bảo yếu tố “sống” ở sự tiện nghi, thoải mái, thân thuộc mà còn giải quyết được cả một đời sống khác, đời sống tinh thần của chủ nhà.

Bài: THANH MINH – Hình ảnh: LÊ ANH ĐỨC