Trong thế giới của gốm: Nghệ nhân chế tác gốm tài hoa

Đất sét, cao lanh, trường thạch, cát, và đá vôi hợp thành cốt thai gốm, cộng với tính sáng tạo cùng bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân, thông qua cách thể hiện là sự kết hợp hài hòa giữa lối tạo hình bằng phương pháp rót khuôn, ứng dụng các đường nét hội họa và cả thêu thùa để cho ra đời một dòng gốm mỹ thuật độc đáo trên đất gốm Lái Thiêu hôm nay.

Trong ngôi nhà cũng là xưởng chế tác gốm mỹ thuật của Bạch Văn Nhân ở Lái Thiêu, Bình Dương, khi hỏi về quá trình tham gia vào lĩnh vực mỹ thuật, đặc biệt là nghề gốm, anh chia sẻ: “Tôi xuất thân là một kỹ sư, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất thủy tinh, cũng từng làm gốm, nhưng là gốm kỹ thuật để phục vụ ngành dệt. Đến 1986, sau khi gặp gỡ một số anh em, bạn hữu là điêu khắc gia, họa sĩ, tôi bắt đầu làm quen với nghệ thuật, cộng thêm thời gian bốn năm đi công tác tại Bắc Phi, những nét văn minh của Phi châu cùng nghệ thuật của họ đã ảnh hưởng đến quá trình sáng tác và tạo hình trên gốm sau này của tôi rất nhiều”.

Nghệ sĩ gốm Bạch Văn Nhân cùng các tác phẩm gốm mỹ thuật được anh chế tác.

Không gian sống của Bạch Văn Nhân được tận dụng tối đa cho gốm, từ căn phòng sáng tác, phòng đổ khuôn, sân vườn và các thể loại máy móc, dùng nghiền đá, đánh đất, đến không gian lò nung… tạo nên một xưởng gốm nhỏ với đầy đủ thiết bị để cho ra đời những tác phẩm gốm mỹ thuật độc đáo.

Bạch Văn Nhân tự tay thực hiện các tác phẩm của mình, từ khâu trộn đất, rót khuôn, phác thảo nét vẽ bằng chì từ ý tưởng lên giấy, sau đó vào màu thành tác phẩm hội họa hoàn chỉnh, đưa lên cốt thai gốm, rồi chuyển vào lò nung. Khi làm cốt thai gốm, anh là người thợ gốm thực thụ, nhưng khi thổi hồn vào cốt gốm ấy, anh trở thành một người nghệ sĩ, cần mẫn, cặm cụi, tỉ mỉ điểm từng nét cọ cho gốm, khi là đường nét của lối vẽ sơn dầu, đến màu nước, khi là những mảng men mà anh gọi là nét thêu trên gốm… Cứ mỗi lần gặp, anh lại đầy hào hứng giới thiệu một ý tưởng mới thông qua chính những tác phẩm gốm mỹ thuật do anh thể hiện. Mỗi tác phẩm gốm ra đời, được bạn bè quen gọi là gốm Nhân, nhờ lối tạo hình bằng phương pháp rót khuôn chứ không dùng bàn xoay, nên cốt gốm mỏng tang với đủ hình dáng khác biệt, là phần nền quan trọng cho những ý tưởng hội họa mà Bạch Văn Nhân muốn thể hiện lên gốm.

Nguyên liệu làm nên cốt thai và men gốm trong không gian sáng tác của nghệ nhân Bạch Văn Nhân.

Từ bản phác thảo được vẽ bằng màu nước, để đạt độ hoàn chỉnh thật dễ dàng, chỉ cần vài nét cọ, nhưng để vẽ tác phẩm ấy lên cốt gốm là cả quá trình phức tạp từ việc phối màu, đến lối vẽ trên tiết diện không phẳng như giấy cũng là một thử thách. Cái khó của sự kết hợp giữa hội họa và gốm chính là ở công đoạn này.

Tác phẩm khi hoàn chỉnh phần họa, còn đợi qua lửa lò nung. Cốt gốm có độ dày 3-4mm cần phải nung ít trong vòng 10 giờ đồng hồ, với nhiệt độ lò khoảng 1.220 độ C, độ dày khoảng 2mm sẽ nung trong 8 tiếng ở nhiệt độ lò 1.210 độ C và vận tốc tăng nhiệt trung bình một giờ là 100 độ C. Đến công đoạn này, Bạch Văn Nhân lại trở thành một người thợ lửa, góp cho những tác phẩm nghệ thuật khi ra đời thêm hoàn hảo nhờ kinh nghiệm đốt lò, với những kỹ thuật sốc nhiệt, tăng giảm nhiệt và hoàn nguyên để tác phẩm khi ra đời đạt chất lượng và màu sắc chuẩn theo phác thảo ban đầu.

Rời bàn vẽ, Bạch Văn Nhân làm việc bên máy nghiền, lò nung, đảm nhiệm vai trò là người thợ gốm hoàn hảo.

Điểm độc đáo ở gốm Nhân chính là sự kết hợp của vẻ đẹp tạo hình trên cốt gốm, phối hợp với những nét cọ tung hứng, bay bổng cùng những ý tưởng để cho ra đời một dòng gốm mỹ thuật mang phong cách mới lạ, hiện đại, trên bản đồ gốm Việt hôm nay.

Gốm Nhân là tổng hòa của đường nét hội họa, thêu thùa để kết nên một tác phẩm hoàn chỉnh trên gốm.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH