Trần Việt Anh (Steve Trần) & những trải nghiệm kỳ thú khắp năm châu

Đi mòn châu Á vì công việc, lang thang khắp châu Âu từ thời sinh viên, coi châu Mỹ như là nhà, đi châu Phi là du lịch trải nghiệm, châu Đại dương là ngoạn cảnh, nghỉ dưỡng… đó là những đúc kết ngắn gọn của Trần Việt Anh về các chuyến đi khắp 5 châu mà anh từng trải nghiệm.

Năm 2007, một tạp chí du lịch Mỹ đã viết về anh là người Việt đi khắp thế giới, anh có thể chia sẻ lý do khi nói về niềm đam mê du ngoạn của mình?

Thực ra với người Việt, chuyện đi du lịch khắp thế giới còn là chuyện mới, chứ với các nước khác là chuyện thường. Người Nhật từ thời Minh Trị (1868 – 1912) đã xuất dương để học hỏi kinh nghiệm từ Tây Âu, mở mang Đất nước. Ở Việt Nam, đầu thế kỷ 20, những chiến sĩ yêu nước như Phan Bội Châu cũng đã ra nước ngoài để “cầu học”. Tôi cũng đi du lịch với mục đích học hỏi, để trải nghiệm và phát triển bản thân.

“Tôi đi du lịch theo cảm xúc, nếu hưởng thụ, tôi sẽ tìm đến những nơi nghỉ dưỡng hoàn hảo, nếu muốn tìm cảnh đẹp thiên nhiên, tôi sẽ đến Bolivia chẳng hạn. Còn để trải nghiệm, tôi sẽ chọn những điểm đến như Ấn Độ…”

Có số đông khi đi du lịch, thường tính toán đến chi phí, đi rẻ nhưng đến được nhiều nơi, còn quan niệm của anh khi du lịch là gì?

Điều cần nhất với tôi trong mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm, không thể so được bằng tiền, tôi không đi du lịch theo kiểu check-in, tức là đi đến nơi, chụp hình như để chứng minh mình đã ở đó rồi thôi. Tôi đi du lịch theo cảm xúc, nếu hưởng thụ, tôi sẽ tìm đến những nơi nghỉ dưỡng hoàn hảo, nếu muốn tìm cảnh đẹp thiên nhiên, tôi sẽ đến Bolivia chẳng hạn. Còn để trải nghiệm, tôi sẽ chọn những điểm đến như Ấn Độ để cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với người bản địa, có thế mới hiểu được nét văn hóa – đời sống – tín ngưỡng ở những địa danh tôi đi qua.

Được biết đến là người thích “nhảy” vào các điểm nóng mà dân du lịch phổ thông rất ngại, chẳng hạn các nước đang có chiến sự, vì sao anh lại chọn những điểm đến đó?

Khi đã qua những chuyến đi du lịch thông thường, tôi muốn kiếm tìm thêm những cảm xúc và giá trị mới để củng cố cho bản thân, từ đó tôi chọn điểm đến khác với du lịch phổ thông, chẳng hạn như Yemen, Zimbabwe, Pakistan, Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba… một số nước ấy bị xếp vào “trục quỷ” – không phải là điểm lý tưởng cho du lịch. Tôi quyết tâm đến, chỉ để đối mặt với thử thách, và để chứng minh điều ngược lại với suy nghĩ của mọi người, và khi đã xác định đi, tôi cần cái đầu lạnh để tự tin đối phó với mọi chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

Những người lính Bắc Triều Tiên đứng canh gác ở Bàn Môn Điếm, di tích cuối cùng còn sót lại của Chiến tranh lạnh. Khu vực này cho đến nay vẫn được coi là chưa có hòa bình, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Có bao giờ “cái đầu lạnh” của anh bị… “nóng” do gặp phải sự cố hiểm nguy trong hành trình của mình?

Tôi bị quân đội bắt ở Zimbabwe đúng thời điểm xảy ra đảo chính, quân đội từ đâu tràn đến bắt hết nhóm nhà báo Quốc tế, tôi cũng bị hỏi cung vì bị nghi là nhà báo. Các điều tra viên mất một ngày xác minh tôi đúng là khách du lịch, cũng một phần nhờ mang hộ chiếu Việt Nam nên họ thả tự do. Đó là lần thót tim nhất, còn những va chạm kiểu như bị móc túi ở Hàn Quốc, bị taxi lừa ở Chile, bị đầu gấu đeo bám ở châu Phi… chỉ là những tình huống nhỏ, không khó để xử lý.

Thế còn những điểm đến bị liệt vào “trục quỷ” kể trên, những chuyến đi đó anh có gặp thử thách hay những thứ giống “quỷ” như người ta quan niệm?

Tôi lấy ví dụ Cuba, trước khi đến, tôi tìm hiểu toàn gặp những thông tin không tốt về một Đất nước vẫn lạc hậu trong thời kỳ tem phiếu. Nhưng khi đến nơi, mọi thứ đảo lộn hoàn toàn, đất nước Cuba quá hiền lành, thân thiện, thêm điều thú vị khi xưng là người Việt, người dân Cuba ai cũng biết, họ nói luôn tên gọi lãnh tụ Hồ Chí Minh – Việt Nam, rồi cười, và thế là thành bạn. Tôi đến Cuba 6 lần rồi nhưng vẫn muốn quay trở lại, vì đất nước này cho tôi một chiếc vé về tuổi thơ thời bao cấp – lúc con người quý nhau lắm, giờ cơ chế thị trường làm thay đổi, cuộc sống xô bồ, toan tính hơn. Mỗi lần xếp hàng mua đồ nơi cửa hàng mậu dịch, tôi thấy người Cuba tính cách rất lịch thiệp, ngay cả trong văn hóa xếp hàng, đúng nghĩa là dân tộc “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Trước khi bắt đầu một chuyến đi, anh có mất nhiều thời gian để nghiên cứu hoặc lên kế hoạch cho hành trình?

Thời còn sinh viên, tôi đi theo ngẫu hứng, không kế hoạch định sẵn. Càng về sau, ở những chuyến đi chẳng hạn đến khu vực Trung Đông, tôi phải chuẩn bị tinh thần và kiến thức rất nhiều, bởi đó là một thế giới huyền bí. Tôi phải đọc, nghiên cứu sách vở về văn hóa để hiểu cuộc sống của họ, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo vì luật Hồi giáo ở khu vực này rất nghiêm, bên ngoài không dễ để can thiệp. Đó cũng là cách học thêm được nhiều điều mới, và quan trọng hơn là để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Từ lý thuyết đến thực tế chuyến đi, những điều anh khám phá ra có gì trái ngược hay khác biệt với suy tính ban đầu?

Có nhiều lắm, chẳng hạn khi đến Iran, tôi hiểu luật Hồi giáo rất khắt khe về vấn đề nam – nữ, không có chuyện ôm hôn, nắm tay ngoài đường, các cô gái phải mang mạng che mặt. Thế nhưng đời sống phòng the của họ rất mạnh mẽ, nhất là hoạt động ngầm trong thế giới đồng tính, và nếu mạo hiểm, sẽ gặp được những không gian, những cuộc chơi dành riêng cho họ. Dân du lịch đồng tính Thế giới cũng thường chọn loại hình du lịch “cảm giác mạnh” để trải nghiệm ở Iran.

Đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều nền văn hóa, anh ấn tượng và học được những gì?

Có những quốc gia khi đến, có thể ngửi thấy cả nét văn hóa trong không khí chẳng hạn như Israel, Ấn Độ, Iran… Tôi cũng tìm đến cả những nơi linh thiêng nhất của các tôn giáo để xem những biến thiên theo thời cuộc, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ – từng là “thủ đô” của Thiên Chúa giáo ở phương Đông, rồi dần bị thay đổi trở thành Đất nước Hồi giáo giữa ngã ba thế giới Âu – Á – Phi, sự hòa trộn và thay đổi đó thật thú vị. Tôi nghiệm ra những nước phát triển đều có tôn giáo độc thần, còn tín ngưỡng đa thần giáo, con người trong xã hội đó cũng phân cấp thành nhiều giai tầng phức tạp như ở Ấn Độ, Pakistan… Và càng đi nhiều qua các nền văn hóa ấy, tôi thấy mình càng điềm đạm và dễ thấu hiểu người khác hơn.

Có những hành trình nào khi trở về, trở thành một nỗi day dứt, thậm chí là ám ảnh khi gợi nhớ về chuyến đi ấy?

Trong chuyến đi vòng quanh châu Phi, khi đến đất nước Swaziland, tôi qua đêm trong một nhà trọ mà trước đây từng là bệnh viện chuyên chữa trị cho người có HIV ở giai đoạn cuối. Cảm giác ngủ đêm không thoải mái tí nào, và ở đó tôi hiểu thêm hiện thực đáng sợ là dân số ở đây chỉ ở độ tuổi trung bình 32 vì đa phần có HIV. Hôm ra đường, tôi gặp một bà mẹ trẻ trạc tuổi, đi cùng là 3 đứa con, đứa gái lớn nhất áng chừng 15 – 16, người mẹ chỉ vào con gái và nói bằng tiếng bản địa, qua cử chỉ, tôi hiểu bà muốn bán cho tôi con gái lớn để lấy tiền nuôi ăn bản thân và 2 đứa nhỏ. Cho đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh khi nhớ lại ánh mắt đau xót của người mẹ ấy.

Giờ này, khi phải chăm sóc gia đình, con cái chắc hẳn những hành trình du ngoạn của anh cũng sẽ khác trước?

Tôi dành thời gian cho gia đình và con cái hơn là cho bản thân, cũng là đi đó đây, nhưng nếu cả gia đình cùng đi nghỉ dưỡng, còn đi riêng với hai con trai, tôi cho chúng lên rừng, xuống biển, dạy chúng học những kỹ năng sống, cách tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, biết sống hòa mình với thiên nhiên.

Thực hiện: LAM PHONG – Hình ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP