“Đình làng” xuất ngoại & đoạt giải công trình kiến trúc của năm

Công trình The Chapel của a21studio (Việt Nam) đã xuất sắc vượt qua các đối thủ của hàng trăm công ty đến từ 50 nước, giành giải “Công trình của năm” – giải thưởng lớn nhất của World Architecture Festival 2014. Công trình này đoạt giải ở hạng mục “Dân dụng và cộng đồng”. Festival đã thu hút sự tham dự của 2.000 kiến trúc sư, nhà thiết kế, khách hàng và giới truyền thông…

Kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, công trình “The Chapel” được mọi người hiểu là nhà nguyện nhưng thực ra không phải vậy, nó thể hiện về đình làng. Nhưng vì tiếng Anh không có nghĩa tương đương nên anh đã dùng tạm từ này. Ý tưởng ban đầu của công trình xuất phát từ hình ảnh của đình làng, là nơi tụ họp của cộng đồng người Việt từ ngày xưa với bóng cây đa và màu cờ rực rỡ mỗi khi có lễ hội. Đình làng là nơi hội họp của cộng đồng làng xã Việt có thể thực hiện nhiều sự kiện trong cuộc sống của người dân. Đình làng thể hiện nét sinh hoạt văn hóa của một làng xã và công trình đã được thể hiện từ sự chắt lọc tinh thần ấy. Đây là một cửa hàng bán cà phê nằm ở vùng ngoại ô với bối cảnh nhà cửa xung quanh lộn xộn và náo nhiệt. Ở đây thiếu hẳn không gian gặp gỡ cộng đồng cho thanh thiếu niên và công trình này chính là một điểm lặng, một nơi để mọi người hội tụ, cùng gặp gỡ nhau trong dịp đám đặc biệt như cưới, sinh nhật, giao lưu. Chính vì thế, không gian ở đây hoàn toàn là một không gian mở, không có tường che chắn, một mái tôn và phần cột chống là hình ảnh những cành cây gợi nhớ lại cây đa trước sân đình.

Công trình xuất phát từ ý tưởng đình làng với không gian mở, không có tường che chắn. Hình ảnh cành cây gợi nhớ lại cây đa trước sân đình. KTS đã chọn vật liệu táichế cho công trình: gỗ được gỡ từ các vỉ kèo của công trình cũ, tôn lợp mái và dựng xung quanh là tôn cũ được sơn lại.

Công trình này có diện tích hơn 140m2 và là địa điểm thuê trong 10 năm nên kiến trúc sư đã chọn sử dụng vật liệu tái chế. Tất cả vật liệu của công trình đều tận dụng, gỗ được gỡ từ các vỉ kèo của công trình cũ. Tôn lợp mái và dựng xung quanh là tôn cũ được sơn lại. Theo kiến trúc sư, các vật liệu đơn giản vẫn có thể tạo ra không gian có đường nét, hình khối và mang sự khác biệt. Đây là công trình nhỏ và chi phí ít nhất trong 16 công trình lọt vào vòng chung kết. Ý tưởng sáng tạo và sự khác biệt được đánh giá cao từ phía ban giám khảo.

Kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “a21studio đã dự thi ba năm liền, lần nào chúng tôi cũng tham gia với lòng tin cuối cùng a21studio sẽ đoạt giải. Lần này chúng tôi tập trung cao độ vào cuộc thi với mục đích đến để tìm chiến thắng chứ không đơn thuần là giao lưu học hỏi. Mỗi lần dự thi là một thách thức với chúng tôi vì phải vượt qua 200 bài thi với rất nhiều kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới. Đây là nơi cạnh tranh quyết liệt”. Để chuẩn bị cho các cuộc tranh giải thế giới, lần nào cũng vậy, HòaHiệp và các đồng nghiệp đều nghiên cứu rất kỹ để nắm bắt được xu hướng phát triển chung của kiến trúc thế giới, đồng thời có nhiều ý tưởng sáng tạo mới, phù hợp để đem lại cho công trình sự khác biệt, độc đáo với mọi người.

“a21studio đã dự thi ba năm liền, lần nào chúng tôi cũng tham gia với lòng tin cuối cùng a21studio sẽ đoạt giải. Lần này chúng tôi tập trung cao độ vào cuộc thi với mục đích đến để tìm chiến thắng chứ không đơn thuần là giao lưu học hỏi…” – KTS Nguyễn Hòa Hiệp.

Sau khi giành giải thưởng lớn, kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp lại trở về với công việc của hàng ngày, của đời thường nhưng trong lòng vẫn đầy cảm xúc và nhiệt huyết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dự thi vì luôn muốn đặt a21studio vào thế cạnh tranh quyết liệt để không lùi bước. Tôi nghĩ ý tưởng kiến trúc của Việt Nam cũng không kém gì các nước khác. Riêng với chúng tôi, các công trình sau phải hay hơn công trình trước và đó luôn là mục tiêu trong công việc”, anh chia sẻ.

Màu sắc của những tấm vải được treo trên đỉnh mái là hình ảnh của cờ phướn trong lễ hội xưa.

Bài và ảnh: THU THỦY – Minh họa: LEFT STUDIO