Vẻ đẹp gốm Biên Hoà: Dấu ấn Trấn Biên

Từ Trấn Biên xưa cho đến Biên Hòa nay đã hơn 317 năm hình thành và phát triển, những dấu ấn trải dài theo cung đường lịch sử ấy chính là hình ảnh của người đi mở cõi, gắn liền với di tích đền đài, đình miếu, hội quán… mà từng điểm đến cứ như một trang sử kể chuyện xưa, mỗi lần tìm về lại thêm một khám phá thú vị.

Trấn Biên trù phú, nơi có thương cảng Cù Lao Phố trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp sầm uất nhất miền Đông Nam bộ, được miêu tả ở Tập thượng, trang 25 trong Đại Nam nhất thống chí rằng: “… người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to thì ở đây nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội”.

Đình Tân Lân, tương truyền hình thành từ thời Minh Mạng (1820 – 1840) với kết cấu kiến trúc chữ Tam, thờ Trấn Biên đô đốc Tướng quân Trần Thượng Xuyên.

Quần thể “hí tượng” (tượng vui) trang trí trên nóc mái đình Tân Lân miêu tả các điển tích trong chương hồi cổ điển Trung Quốc, đây là nét văn hóa đặc trưng trong trang trí kiến trúc theo “công nghệ miếu vũ” của người Hoa xưa vùng Đồng Nai – Gia Định.

Sự hưng vượng của vùng đô thị ven sông Cù Lao Phố gắn với hai dấu mốc lịch sử lớn. Năm 1679, hai tướng tài dưới triều Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vì không thuần phục nhà Thanh (bài Thanh phục Minh) đã cùng 50 chiến thuyền vượt biển với 3.000 người cập bờ biển Tư Dung (Thuận Hóa) xin chúa Nguyễn nhập cư vào nước Việt và được chấp thuận. Nhóm của Trần Thượng Xuyên vào vùng Biên Hòa – định cư chủ yếu ở Cù Lao Phố, bãi phù sa trù phú nằm giữa sông Đồng Nai – gồm binh lính, thương nhân, quý tộc phong kiến thuộc ngũ bang: Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ và Quảng Đông, kết hợp cùng cư dân bản địa tiếp tục tạo dựng cơ sở hạ tầng, lập đền miếu, làm ăn buôn bán, xây dựng nhà cửa, đường sá. Những dấu ấn còn lưu lại hôm nay như Chùa Ông (Thất Phủ Cổ Miếu) – ngôi chùa người Hoa đầu tiên ở miền Nam do Trần Thượng Xuyên và cộng đồng di dân tạo dựng năm 1684, hay ngôi đình cổ Tân Lân… đều có lối trang trí kiến trúc theo “công nghệ miếu vũ” với quần thể “hí tượng” trên nóc mái, định hình một nét đẹp riêng khi nhắc đến những đền miếu cổ của miền đất Trấn Biên.

Sự hưng vượng thể hiện rõ trên cổng tư gia hiệu may Đức Lợi với các nét trang trí Á – Âu đầy tinh tế.

Đồ án trang trí “lưỡng long triều nhật” trên nóc mái chùa Đại Giác, Cù Lao Phố.

Sự kiện thứ hai là chuyến kinh lược năm 1698 của Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vào phương Nam theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng và ổn định bộ máy quản lý hành chính, trong đó có việc lập ra dinh Trấn Biên (tiền thân của Biên Hòa hôm nay) chính thức đưa miền đất phương Nam này vào lãnh thổ nước Việt.

Khi danh tướng tài ba mất đi (1700), người dân Cù Lao Phố ở thôn Bình Hoành lập miếu võ, tôn thờ ông như vị thành hoàng làng. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc ngay dưới chân cầu Ghềnh – công trình thép do Gustave Eiffel, cha đẻ tháp Eiffel thiết kế – là một trong số di tích hiếm hoi ở Biên Hòa còn lưu được sắc thần vua ban, ghi rõ tên họ và thứ bậc Thượng đẳng thần của Nguyễn Hữu Cảnh.

Chùa Bửu Phong có niên đại từ 1616, với kiến trúc hiện hữu là sự hòa trộn giữa chi tiết Á Đông và đường nét Tây Âu.

Văn Miếu Trấn Biên, công trình xây mới nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của gốm Biên Hòa trong trang trí kiến trúc.

Dấu ấn Trấn Biên còn có “Tam Cổ Tự” gồm Đại Giác, Bửu Phong và Long Thiền – được xác định là ba chùa cổ nhất trong tổng số hơn 500 ngôi chùa ở Đồng Nai – ghi dấu cho sự mở mang bờ cõi của người Việt. Và xuyên suốt các công trình, di tích lịch sử ở Biên Hòa, dễ gặp trong đó hình ảnh một dòng gốm đặc biệt, vừa có nét văn hóa Á Đông thuần khiết, nhưng cũng đậm chất hiện đại.

Hình ảnh gốm mỹ nghệ Biên Hòa không chỉ hiện hữu ở các công trình công cộng như Chiến sĩ đài, Nhà Hội Bình Trước, Quảng trường Sông Phố, Văn Miếu Trấn Biên… mà còn được bạn bè thế giới biết đến qua các hiện vật được sưu tầm, đấu giá, triển lãm từ những năm 20 của thế kỷ trước cho đến tận hôm nay.

Trụ rồng – một tác phẩm tiêu biểu do các thầy trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện trước 1945.

“Chiến sĩ đài” do Pháp xây dựng 1923, phỏng theo kiến trúc Ngọ Môn – Huế, sử dụng gốm Biên Hòa trong các chi tiết trang trí, liễn đối và đại tự.

Đài phun nước Cá hóa Long ngay Quảng trường Sông Phố trước Nhà thờ Biên Hòa do thầy Lê Văn Mậu cùng các nghệ nhân và học trò trường Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện.

Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO – Thực hiện toàn bộ chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH