Quần thể kim tự tháp kính bảo tàng Louvre nhận giải thưởng “25 năm” của viện kiến trúc Hoa Kì

Công trình biểu tượng của Paris, Pháp vừa đón nhận giải thưởng do Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) trao tặng, dành cho “công trình do kiến trúc sư được cấp phép tại Hoa Kỳ thiết kế, trụ vững trong thử thách thời gian từ 25-35 năm và tiếp tục thiết lập các tiêu chuẩn xuất sắc cho thiết kế kiến trúc và dấu ấn của nó”

ĐỒ ÁN CẢO TẠO TIÊN PHONG CỦA LỊCH SỬ KIẾN TRÚC

Quần thể công trình Kim Tự Tháp Kính tại sân Cour Napoléon là giai đoạn đầu tiên cho dự án mở rộng và cải tạo bảo tàng Louvre để trở thành một “Louvre Vĩ đại”, một bảo tàng vĩ đại nhất Thế giới. Đây là nhóm quần thể gồm 5 Kim Tự Tháp, trong đó cái lớn nhất đóng vai trò là cổng vào cho nhu cầu của lượt du khách ngày càng tăng lên tại Louvre tiền thân (cung điện Louvre). Dự án được bảo trợ nằm trong chiến dịch cải tạo các cơ sở văn hoá trên khắp nước Pháp năm 1983. François Mitterrand, Tổng thống Pháp khi đó đã ủy quyền dự án cho kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa, Ieoh Ming Pei (Bối Duật Minh) – chủ nhân của giải thưởng Kiến trúc Pritzker danh giá khi đó – trở thành kiến trúc sư trưởng. Phương án của Pei là một kim tự tháp cao 21,6 mét, đáy rộng 35,4 mét, kết cấu module khung tam giác dây căng tinh xảo bằng thép, nâng đỡ các mảnh ốp thủy tinh nặng 95 tấn và 105 tấn nhôm hỗ trợ kết cấu. Bao quanh nó là ba Kim Tự Tháp nhỏ hơn đóng vai trò là mái cung cấp ánh sáng cho không gian hầm mở rộng phía dưới sân Cour Napoleon của bảo tàng Louvre – như những đường hầm dẫn lối lấy cảm hứng từ cấu trúc của Kim tự Tháp nguyên bản.

Công trình cải tạo không chỉ tác động vào cung điện Louvre mà còn cung cấp một không gian công cộng cho người dân Paris. Ảnh: Benoit_Perrin

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận được lập luận mang đậm tính triết lý Phương Đông của Pei. Ông và cả Tổng thống Pháp đã nhận nhiều lời chỉ trích từ những nhân vật quan trọng trong giới phê bình ngay ở những ý tưởng ban đầu từ năm 1980. Quần thể từng bị tranh cãi, như những gì đã xảy ra với tháp Eiffel trước đó. Bị phản đối bởi 90% người dân Paris như một “sự xâm nhập khắc nghiệt của chủ nghĩa hiện đại vào các khu vực linh thiêng của Paris”. Tờ New York Times chỉ trích: công trình là một trò đùa kiến ​​trúc, một chướng mắt, một sự xâm nhập lỗi thời của biểu tượng dành cho cái chết của Ai Cập ở giữa lòng Paris, và là một sự mê tín do ông Mitterrand áp đặt. Họ xem ngôn ngữ quá hiện đại của quần thể như những nhát dao sắc bén xé nát sân trong và toàn bộ bề mặt cổ điển của công trình. Vì tình chất quá mới mẻ tại thời điểm đó, Tổng thống Pháp cũng bị ví von là đang tự mình đóng vai của một Pharaoh, xây cho riêng mình một Kim Tự Tháp, chỉ định đặc quyền cho một kiến trúc sư người nước ngoài mà không thông qua bất kì một cuộc thi công khai nào.

Hiện trạng sân Cour Napoléon trước khi cải tạo. Vị trí cây xanh được thay thế bởi Kim Tự Tháp kính hiện tại. Ảnh: Carlos Zeballos

Sau bốn tháng nghiên cứu, Pei mới chính thức chấp thuận lời mời của Tổng thống Mitterand. Pei đưa ra giải pháp duy nhất là kết nối ngầm với việc cải tạo sân Cour Napoléon, xem nó là đối trọng với tòa nhà lịch sử. Bản vẽ còn được giữ bởi những cộng sự của Pei. Ảnh: Pei Cobb Freed & Partner

Khung kết cấu thép dây căng đỡ 672 panel kính tân tiến nhất thời điểm lúc bấy giờ. Ảnh: Pei Cobb Freed & Partner

Tranh cãi này chính thức biến mất sau khi công trình khánh thành vào tháng 3 năm 1989, giới phản biện trước đó đã rút lui, nhường lại những lời ca ngợi cho quần thể vì sự biến đổi xuất sắc của nó cho tổng thể bảo tàng. Đồ án trở thành một trong những công trình cải tạo vĩ đại tiêu biểu bậc nhất của nhân loại, không những nâng tầm cung điện Louvre, mở rộng khuôn viên bảo tàng mà còn cung cấp cho người dân Paris một không gian công cộng tuyệt vời nhất trên Thế giới.

Hệ thống kính trong suốt này đã được đặt hàng đặc biệt, vì nó không phải là loại kính màu xanh lá phổ biến. Ảnh: Koji Horiuchi

Từng đường nét thiết kế được tính toán tinh vi, ứng với các điểm tiêu biểu trên các mặt đứng của cung điện Louvre. Ảnh: Carlos Zeballos

Dựa trên tỷ lệ của nguyên bản Kim Tự Tháp nổi tiếng Giza, Kim Tự Tháp kính lớn tại Louvre không làm giảm tính chất lịch sử hay phong cách Phục Hưng thế kỷ 16 của bảo tàng mà còn tăng cường màu sắc đó bằng sự phản quang lên những mặt dựng nghiêng của các Kim Tự Tháp. Thay vì đặt bên cạnh và đụng chạm vào khối nhà cổ vì sự tham lam diện tích hay tận dụng kết cấu có sẵn, phần cải tạo của Pei quan tâm nhiều hơn đến tầm nhìn tổng thể cảnh quan với những nét vẽ hoạch định vô cùng mực thước, đầy toan tính của các trục phương phát triển cảm hứng từ hình kỉ hà tam giác, tạo ra các mặt gương nước từ hồ tràn – góp phần làm tăng sự phản quan đến tối đa như cách Pei mong muốn mà vẫn đảm bảo tạo ra các luồng di chuyển hợp lý cho toàn bộ khu vực.

Không gian công cộng tuyệt vời của mối quan hệ cổ điển – đương đại. Trước đó nó vốn được quản lý bởi Bộ Tài chính làm nơi đỗ xe vào ban ngày và là nơi nương tựa cho người nghiện ma túy vào ban đêm. Ảnh: Irene Ledyaeva

Vì thế, tuy rất tương phản về mặt tạo hình lẫn vật liệu, nhưng việc lựa chọn một cấu trúc mang tính ổn định trường tồn từ thời Cổ Đại, đặt để bên cạnh một siêu phẩm xa xỉ Baroque Phục Hưng bằng quan niệm quy hoạch đương đại và vật liệu của thời kì công nghiệp, quần thể vẫn đạt được cảm giác mong manh duyên dáng, lấp lánh sắc bén như một trang sức trong suốt được mài dũa đa diện tinh vi, vừa có đủ sức nặng về giá trị lịch sử trong lớp vỏ hình hài đương đại, hoàn toàn xứng tầm với hình khối vãm vỡ và tràn đầy tiểu tiết trưng trổ của cung điện Louvre. Trong mối quan hệ này, sự tôn kính của Kim Tự Tháp kính dành công trình cũ hay sự ngạo nghễ tự thân đều được xuất hiện và tồn tại đong đầy.

Kim Tự Tháp chính có chức năng là lối vào bảo tàng, các Kim Tự Tháp “con” bao quanh lấy ánh sáng trời cho các cánh Richelieu, Sully, Denon chia luồng tham quan đến các khu vực triển lãm dưới tầng hầm. Ảnh: Google

Để chiêm ngưỡng được Kim Tự Tháp thứ 5 bắt buộc phải vào trong bảo tàng vì nó là một Kim Tự Tháp ngược, nằm chìm dưới vòng xoay Place du Carrousel – nằm cách 100 mét với nhóm của 4 Kim tự Tháp còn lại. Lý luận đậm tính triết lý âm – dương này của Pei càng làm tăng thêm giá trị độc đáo của công trình. “như người Pháp hay làm những gì điên rồ, tôi đảo ngược Kim Tự Tháp, tạo ra một hình ảnh phù phiếm nhưng không làm tốn kém không gian” – Pei. Ảnh: Fitzrie B

TRỤ VỮNG THEO THỬ THÁCH THỜI GIAN

Trong gần 30 năm hoạt động, Quần thể cải tạo đã góp phần quan trọng cho một “Louvre Vĩ đại” – dường như không có đối thủ cho ngai vàng “bảo tàng to lớn nhất Thế giới” cả về quy mô lẫn chất lượng với hơn 35.000 kiệt tác và đồ cổ vô giá thu thập từ thế kỉ thứ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ 19. Hàng năm đón tiếp hơn 9,3 triệu lượt du khách trên toàn Thế giới, mỗi ngày 15 000 lượt với 70% là du khách nước ngoài, hiện nay nó có ý nghĩa tương tự như tháp Eiffel khi trở thành một biểu tượng mật thiết cho người dân Paris, một thực thể không thể tách rời từ viện bảo tàng Louvre và thành phố.

Triển lãm năm 2016 của nghệ sĩ JR với mong muốn vô hình Kim Tự Tháp Kính với nghệ thuật thị giác Trompe l’oeil. Ảnh: Francois Mori

Mặt đứng của cung điện Louvre được “trả lại” với chân dung quá khứ của chính nó gắn lên trên mặt nghiêng của Kim Tự Tháp Kính lớn nhất. Ảnh: Beckett Mufson

Kim Tự Tháp Louvre là một cột mốc cảnh quan quan trọng trên trục quy hoạch vĩ đại của thành phố Paris. Trên trục này còn có các công trình nổi tiếng khác là: Vườn Tuileries, Quảng trường Concorde, tháp Ai Cập Obelisk Luxor, Khải Hoàn Môn, Arche de la Défense của khu đô thị mới phía Tây. Ảnh: monumentshistoriques

Giải thưởng “25 năm” – một vinh danh thường niên từ năm 1969 của Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) đã công bố công trình đã thỏa mãn các tiêu chí tiên quyết: hoàn thành vào khoảng thời gian 1983-1993; được kiến trúc sư được cấp phép tại Hoa Kỳ thiết kế; trụ vững trong hình thức hoàn thiện ở tình trạng tốt, và không phải có những thay đổi cần thiết so với hoạch định ban đầu, thêm vào đó vẫn còn có giá trị nếu so sánh với các tiêu chuẩn hiện tại. AIA nhận định quần thể Kim Tự tháp Louvre là một tài sản bất ngờ dành cho người dân Paris và cả Thế giới, bản thân nó cũng đã là một bảo vật vô giá như những bảo vật mà nó đang chứa đựng.

Ieoh Ming Pei (Bối Duật Minh) là một trong những kiến trúc sư thành công nhất của Kiến trúc hiện đại, là chủ nhân của các giải thưởng Pritzker, Huy chương vàng của Viện Kiến Trúc Sư Hoa Kỳ AIA, Huy chương vàng hoàng gia của Viện Hoàng gia Anh quốc cùng vô số các vinh danh khác.

Từ một công trình bị chỉ trích cả về chính trị lẫn kiến trúc, quần thể Kim Tự Tháp Louvre đã trở thành biểu tượng và là nguồn cảm hứng gây sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới thiết kế trên toàn Thế giới. Đây là một tuyệt tác hoàn hảo của một đồ án cải tạo, một ví dụ tiêu biểu cho quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan, sự xếp đặt cộng sinh – tương phản – bổ sung giữa công trình cũ – mới, một thiết kế kiến trúc thuần chất và tinh khiết đáng ngưỡng mộ, hoàn toàn tương xứng với chức năng mà nó đang chứa đựng.

 

Bài viết: Đức Tém

Ảnh: Tổng hợp